Làn Gió Mới Cho Phim Kinh Dị Việt: Đầu Voi Đuôi Chuột?

October 1, 2024

Tấm Cám không còn là cái tên xa lạ với đông đảo công chúng Việt Nam, khi đây chính là một câu chuyện cổ tích gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ. Với lí do đó, phiên bản điện ảnh mới mang chủ đề kinh dị mang tên Cám đã thu hút khá nhiều sự quan tâm và mong chờ của khán giả. Tuy nhiên, bên cạnh những cảm xúc tích cực, cũng không ít người bày tỏ lo ngại rằng bộ phim này có thể sẽ sa vào lối mòn “đầu voi đuôi chuột”, tức là mở đầu hấp dẫn nhưng kết thúc lại thất vọng như nhiều tác phẩm trước đó.

Phản ứng đa dạng từ khán giả sau khi ra mắt trailer

Ngày 9/9 vừa qua, trailer của Cám đã chính thức được công bố, mở ra cái nhìn mới lạ và đầy kịch tính, khác hẳn so với phiên bản nguyên gốc từ câu chuyện cổ tích. Theo đó, nhân vật Cám (do Lâm Thanh Mỹ thủ vai) không chỉ đơn thuần là một cô gái bình thường mà từ khi sinh ra đã bị dị dạng, bị gia đình gồm cha (Quốc Cường), mẹ (Thúy Diễm) và dân làng xa lánh. Trong khi đó, Tấm (Rima Thanh Vy) trở thành người duy nhất thương yêu và bảo vệ Cám. Bí mật mà ông Hai Hoàng còn giữ là ông phục vụ cho những nghi thức hiến tế trinh nữ.

Thú vị hơn, Cám lại rơi vào tay chính người cha của mình, người đã đưa cô đi làm lễ hiến tế. Thay vì gặp ông Bụt như trong câu chuyện cổ tích, lần này, cô lại gặp một bà quỷ với ba con mắt. Từ đó, Cám mang trong mình sức mạnh ma quái, dẫn đến một chuỗi các sự kiện tàn sát để trả thù cho bản thân. Điều này mở ra một khung cảnh thực sự rùng rợn và bí ẩn mà khán giả rất đợi chờ khi đến rạp. Bộ phim hiện đã dán nhãn T18 do có nhiều hình ảnh máu me và kinh dị.

Cám:

Nhìn chung, phản ứng từ phía người xem dành cho trailer Cám diễn ra khá tích cực. Nhiều bình luận khen ngợi bộ phim về độ ghê rợn và mức độ hồi hộp. Có nhiều ý kiến tiếc nuối khi chưa đủ 18 tuổi để thưởng thức tại rạp. Một số khán giả còn bày tỏ sự hào hứng với nhiều thay đổi trong phiên bản này. Đặc biệt, nhiều giả thuyết đã được đưa ra xoay quanh nhân vật Bờm (Trần Doãn Hoàng), không rõ nhân vật này có tình cảm gì với Cám hay chỉ đơn thuần là “trap boy”, và liệu người giả dạng ông Bụt có phải là ác quỷ hay không.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng nhà sản xuất còn ngần ngại trong việc cách tân khi vẫn giữ hình tượng Tấm mang tính hiền lành, vị tha, chưa thật sự thể hiện sự tàn ác như nhiều khán giả mong đợi, dẫn đến một số bình luận lo ngại về việc phim sẽ “đầu voi đuôi chuột”, rốt cuộc lại mang đến một cái kết rời rạc và quen thuộc.

Dòng phim kinh dị Việt: Thực sự có phải “đầu voi đuôi chuột”?

Việt Nam, là một quốc gia châu Á sở hữu nhiều truyền thuyết, phong tục tập quán đặc sắc về tín ngưỡng và tâm linh, từ rất sớm đã có những bộ phim kinh dị ra đời, bắt đầu từ thập niên 1930 như Cánh đồng ma (1937), Cô Nga dạo thị thành (1939), Khúc khải joàn và Toét sợ ma (1940)… Đạo diễn Lương Đình Dũng đã bật mí về nguyên nhân các nhà làm phim thích mảng miếng này: lợi nhuận siêu cao mà chi phí đầu tư lại không quá lớn.

Một số bộ phim kinh dị tiêu biểu như Đoạt hồn (2014) đã mang lại doanh thu khổng lồ lên tới 12 tỷ chỉ trong 4 ngày. Quả tim máu (2014) của Victor Vũ cũng đạt gần 55 tỷ chỉ sau 10 ngày công chiếu. Pháp sư mù (2019) thu về 59 tỷ đồng, Thất sơn tâm linh (2019) đạt 50 tỷ còn Bắc kim thang là 42 tỷ. Gần đây, Quỷ cẩu (2023) đã vượt ngưỡng 100 tỷ, trong khi Ma da (2024) có sự góp mặt của Việt Hương thì đã đạt hơn 123 tỷ đồng. Mặc dù vậy, việc sản xuất phim kinh dị cũng không hề dễ dàng.

Cám:
Thiên Linh Cái khi ra rạp đã đổi tên thành Thất Sơn Tâm Linh vì phải chỉnh sửa quá nhiều

Các bộ phim kinh dị tại Việt Nam thường phải trải qua quá trình kiểm duyệt rất khắt khe mới có thể ra mắt khán giả. Chúng không được chứa quá nhiều yếu tố ghê rợn, hình ảnh máu me hay quảng bá tư tưởng mê tín dị đoan. Ví dụ, phim Mười (2007) đã bị cắt 4-5 phân đoạn đáng sợ khi công chiếu tại Việt Nam, dẫn đến chất lượng phim không còn được nguyên vẹn. Bên cạnh đó, sản phẩm điện ảnh Rừng xác sống (2014) còn bị cấm chiếu do những lý do bị cho là không phù hợp. Thậm chí, phim Thiên linh cái còn phải chỉnh sửa rất nhiều, đến nỗi nhà sản xuất đã đổi tên thành Thất sơn tâm linh vì không còn giống với kịch bản ban đầu.

Cũng chính vì lý do kiểm duyệt mà nhiều phim kinh dị Việt không thể để mở cho cái kết hay không cho các thế lực tà ác giành chiến thắng. Điều này khiến cho các nhà làm phim gặp khó khăn trong việc xây dựng đôi cách kết thúc để tiêu diệt những con ma, và đôi khi họ phải tìm cách “lách luật” thông qua việc tạo ra một giấc mơ hoặc một trò lừa bịp do con người tạo ra. Một số tác phẩm theo hướng này có thể kể đến như Quả tim máu, Thiên thần hộ mệnh (2020)Hạnh phúc máu (2022),…

Đó là lý do mà phim kinh dị Việt Nam thường bị chỉ trích là “đầu voi đuôi chuột”. Khán giả thường đến rạp với tâm thế háo hức muốn trải nghiệm cảm giác sợ hãi, những cảnh hù dọa và giết người nhưng kết quả đem lại lại chỉ là những cú lừa đau đớn, khi mà ma quỷ không có thật hay bị tiêu diệt quá nhanh chóng. Vậy thì, rốt cuộc còn gì để mà sợ hãi nữa?

Liệu “Cám” có thành công?

Gần đây, quy trình kiểm duyệt phim tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực với hệ thống phân loại độ tuổi rõ ràng hơn. Các bộ phim được xếp vào nhóm T18 (dành cho người trên 18 tuổi) sẽ không bị chỉnh sửa nhiều. Chẳng hạn như Deadpool & Wolverine, The First Omen hay Alien: Romulus, Longlegs: Thảm kịch dị giáo đều có những cảnh máu me và bạo lực nhưng vẫn được giữ nguyên.

Bộ phim Ma da có sự xuất hiện của ma thật và điều đặc biệt là trong phần kết thì sự hiện diện của nó vẫn còn, tạo điều kiện cho một phần tiếp theo. Đây là một điều hiếm gặp trong ngành điện ảnh Việt Nam. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho đạo diễn Trần Hữu Tấn trong việc “làm nên chuyện” với tác phẩm Cám . Cái tên Trần Hữu Tấn không còn xa lạ gì đối với khán giả, khi anh đã từng làm ra nhiều bộ phim như Bắc kim thang, Rừng thế mạng (2021), Chuyện ma gần nhà (2022) hay Kẻ ăn hồn (2023). Tất cả các tác phẩm đều chỉn chu về mặt hình ảnh cũng như bối cảnh, nhưng yếu tố kinh dị còn nhiều điều cần để cải thiện.

Cám:

Với việc Cám đã được dán nhãn T18, đây chứng tỏ rằng đạo diễn Trần Hữu Tấn đã quyết định “chơi tới bến” với bộ phim này. Qua những gì đã thấy trong trailer, khán giả có thể nhận ra rằng nhiều cảnh quay kinh dị, máu me rất nặng và vượt trội hơn so với các phim trước đó của anh. Thêm vào đó, hình như phim còn ẩn chứa nhiều bí ẩn chưa được khám phá. Nhân vật Tấm của Rima Thanh Vy chưa chắc đã đại diện cho cái tốt vì trước đó, nữ diễn viên sinh năm 1995 từng khẳng định diễn xuất trong vai những nhân vật bị ma ám trong Mười: Lời nguyền trở lại (2022) rất xuất sắc. Câu chuyện hoàn toàn có khả năng sẽ có sự hiện diện của ma quái và kết thúc được xử lý một cách khéo léo hơn, thậm chí có thể là một kết mở thay vì phải điều chỉnh như trước đây.

Hơn nữa, phần bối cảnh và tạo hình nhân vật thể hiện đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam, cùng với những lễ hội, chợ phiên gần gũi trong phim cũng hứa hẹn sẽ đem lại nhiều điều thú vị. Năm ngoái, Kẻ ăn hồn hay series Tết ở làng địa ngục do Trần Hữu Tấn thực hiện đã thành công trong việc lồng ghép và quảng bá văn hóa, cũng như hình ảnh đám cưới chuột, mang đến cho khán giả sự gần gũi và ấn tượng.

Cám:

Cuối cùng, bộ phim Cám được kỳ vọng sẽ là một bước tiến mới trong lĩnh vực điện ảnh Việt với nhiều yếu tố đổi mới trong cả phương pháp tiếp cận lẫn quy trình kiểm duyệt dành cho thể loại kinh dị. Với những ai vẫn còn nghi ngờ về tác phẩm này, câu trả lời sẽ chính thức được đưa ra vào ngày 20/9 sắp tới.